Thứ 6 - 26/02/2016
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)!
Nhiệt liệt chào mừng 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2024 )!
Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024)!
KỶ NIỆM 111 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ CHU HUY MÂN (17/3/1913 - 17/3/2024).

Vị tướng xuất sắc, nhà chính trị, quân sự tài năng.

Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, là một cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, một vị tướng xuất sắc, nhà chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, người học trò tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung.

432480346_1836588643489971_5095325802121887369_n.jpg
             93 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí Chu Huy Mân luôn nêu cao tinh thần và phẩm chất cách mạng của người cộng sản, cống hiến sức lực, trí tuệ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, đồng chí Chu Huy Mân sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ bước khởi đầu tham gia và chỉ huy Đội tự vệ Đỏ ở Nghệ An thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), rồi trải qua những năm tháng bị giam cầm trong lao tù của thực dân Pháp, đến khi tham gia lãnh đạo khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam, đồng chí Chu Huy Mân tỏ rõ khí phách của người cộng sản kiên trung, có bản lĩnh và khả năng hoạt động chính trị, quân sự.

Trong thời gian tham gia Ban vận động Việt Minh và Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí hoạt động rất tích cực, luôn bám cơ sở gây dựng phong trào quần chúng, huy động sức mạnh quần chúng vào cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công. Trên cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội, đồng chí cùng với tập thể lãnh đạo tỉnh hăng hái, tích cực xây dựng LLVT tỉnh Quảng Nam, tạo cơ sở, điều kiện căn bản cho địa phương bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiếp đó, đồng chí được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C, gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

3.jpg
         Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Quân khu Tây Bắc đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại Thuận Châu, Sơn La, tháng 5/1959.  

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vi cả nước (19-12-1946), với phẩm chất của một tài năng về chính trị và quân sự, đồng chí Chu Huy Mân được điều ra Bắc và liên tục được giao những nhiệm vụ quan trọng có tính chất chiến lược: Trưởng ban Kiểm tra, Khu ủy viên Khu 1; Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72 Bắc Kạn, Trung đoàn 74 Cao Bằng, Chính ủy Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng-những trung đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam hoạt động trên địa bàn Việt Bắc.

Sau chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950, đồng chí Chu Huy Mân được giao giữ trọng trách Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316-một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam. Đồng chí đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ. Cùng với ban chỉ huy đại đoàn, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn 316 tham gia nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, như: Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953).

Đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, lãnh đạo quân sự, chính trị ở các đơn vị chủ lực trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Chu Huy Mân luôn phát huy sự đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo, chỉ huy, được cán bộ, chiến sĩ và địa phương nơi đóng quân tin tưởng, quý mến. Đồng chí luôn có tác phong sâu sát của một cán bộ lãnh đạo, thái độ quyết đoán, dứt khoát, dám chịu trách nhiệm của người chỉ huy, lãnh đạo quân sự và chính trị.

dong-chi-chu-huy-man-bac-ho.jpg
          Đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4 đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nghệ An, tháng 12/1961

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng, trong đó hai lần được giao nhiệm vụ giúp cách mạng Lào. Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng giúp cách mạng Lào giải quyết thành công các nhiệm vụ có tính quyết định trong xây dựng và chiến đấu, tạo cơ sở cho cách mạng và quân đội Lào vững bước tiến lên giành thắng lợi ngày càng to lớn, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ Lào ghi nhận, đánh giá cao.

Thời gian giữa hai lần giữ trọng trách giúp cách mạng Lào, đồng chí được giao nhiệm vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4 (năm 1957); Bí thư Khu ủy Tây Bắc, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc (1958-1959). Trên cương vị là người đứng đầu về CTĐ, CTCT Quân khu Tây Bắc, bằng sự nhạy cảm chính trị của người chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược cùng những kinh nghiệm tích lũy qua thực tế, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng với Khu ủy Tây Bắc và Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm của Đảng về tổ chức, xây dựng LLVT nhân dân và chiến tranh nhân dân trên địa bàn rừng núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ tháng 9-1963 đến năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân được cử vào chiến trường miền Nam, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng đoàn kiểm tra của Đảng ủy Quân sự Trung ương nghiên cứu công việc của Quân khu 5; Phó bí thư Khu ủy rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Khu 5; Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3-Tây Nguyên; sau đó trở lại Khu 5 làm Phó bí thư Khu ủy, Tư lệnh, Phó chính ủy, Phó bí thư Quân khu ủy Khu 5. Đây là chặng đường dài đầy cam go, thử thách mà đồng chí Chu Huy Mân đã “gánh cả hai vai”, là người lãnh đạo, chỉ huy cả quân sự và chính trị trên một chiến trường nóng bỏng, ác liệt. Đồng chí được cán bộ, chiến sĩ gọi với tên thân mật “anh Hai Mạnh”-mạnh về công tác chính trị và mạnh về chỉ huy quân sự.

Vào chiến trường Khu 5 trong lúc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, với ý chí kiên cường và tư duy cách mạng sâu sắc, đồng chí Chu Huy Mân đã thực hiện triệt để mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, làm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Với tác phong sâu sát, cụ thể của người lãnh đạo, chỉ huy năng nổ, thực tế và đầy sáng tạo, đồng chí đã đến nhiều địa bàn để cập nhật tình hình, cùng cấp ủy, chính quyền, đơn vị bàn bạc, thảo luận tìm phương án đánh Mỹ phù hợp, tối ưu nhất. Quán triệt quan điểm “có dân là có tất cả”, đồng chí Chu Huy Mân luôn biết dựa vào sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết của toàn dân, để xây dựng thế trận toàn dân đánh giặc, lấy LLVT làm nòng cốt.

Tài thao lược của đồng chí ở Mặt trận Khu 5 và B3 góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội, nổi bật như: Chiến thắng Núi Thành-lần đầu tiên ta tiêu diệt gọn một đơn vị quân Mỹ trong khi chỉ sử dụng bộ đội địa phương. Điều đó không những giải quyết được công tác tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào là quân và dân Việt Nam có khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ, mà còn có ý nghĩa chiến lược trong sử dụng lực lượng chiến đấu.

Trên cương vị là người lãnh đạo về chính trị và quân sự, đồng chí Chu Huy Mân luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Từ thực tiễn chiến trường Khu 5, Tây Nguyên cũng như đặc điểm của cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam, đồng chí luôn chăm lo xây dựng LLVT ba thứ quân, tạo sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng tác chiến ở mọi lúc, mọi nơi. Về chính trị tư tưởng, đồng chí luôn quan tâm giáo dục chính trị, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng tư tưởng tiến công cho bộ đội. Đồng chí luôn chú trọng xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất cao trong khu ủy, phát huy dân chủ tập thể, đồng thời quyết đoán, chịu trách nhiệm để giành thắng lợi trên chiến trường.

Về quân sự, với nhãn quan sâu rộng, sắc bén, đồng chí luôn có dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường để có cách đánh phù hợp. Từ thực tiễn chiến trường Khu 5, đồng chí Chu Huy Mân yêu cầu cấp ủy, cán bộ các cấp phải xây dựng người chiến sĩ Khu 5 “tay quân sự, miệng chính trị, vai hậu cần”; qua đó, cán bộ, chiến sĩ Khu 5 càng đánh càng lớn mạnh, trưởng thành, càng thắng lớn. Quan điểm xuyên suốt của đồng chí trong công tác đào tạo cán bộ là gắn học tập lý thuyết, lý luận với thực hành, vừa làm vừa học, vừa chiến đấu vừa rèn luyện.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, được giao trọng trách Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách giúp cách mạng Lào, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc (đặc biệt). Tại kỳ họp Quốc hội khóa VII (1981), đồng chí được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên các cương vị công tác, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Với những kiến thức, tư duy nhạy bén sắc sảo, cùng những kinh nghiệm cả về quân sự và chính trị đã được tôi luyện trong những năm tháng chiến tranh, đồng chí đã góp phần giải quyết những vấn đề mới đặt ra, trong bối cảnh Việt Nam sau chiến tranh, bước vào thời kỳ đổi mới.

Đồng chí đã có nhiều đóng góp vào chủ trương xây dựng QĐND Việt Nam theo hướng chính quy, hiện đại, đặc biệt chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Trên cương vị và trọng trách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đồng chí luôn chú trọng giáo dục cho quân đội, trước hết là cán bộ, đảng viên luôn thấu suốt đường lối cách mạng của Đảng, không ngừng phát huy truyền thống, bản chất của quân đội anh hùng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Với nhiệt huyết của một nhà chính trị, quân sự tài năng, đã cống hiến cả cuộc đời cho nhân dân, cho đất nước, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo, trong những năm cuối đời, đồng chí Chu Huy Mân vẫn luôn quan tâm đến các vấn đề an ninh, quốc phòng, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Đồng chí quan tâm nhiều đến việc tăng cường và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Về công tác cán bộ, đồng chí luôn tâm niệm: Cần phải “chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ về các mặt chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và tác phong công tác”.

Với đạo đức cách mạng trong sáng, Đại tướng Chu Huy Mân-nhà chính trị, quân sự tài năng, tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, một cán bộ tận tụy, một vị tướng văn võ song toàn; không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu; sáng tạo trong tổ chức và hoạt động thực tiễn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc./.

                                                                              NGHIA-BTGHU

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRẢNG BOM - TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN TRẢNG BOM

Giấy phép số: 01/GP-TTĐT do Sở TTTT Đồng Nai cấp ngày 25/02/2014
Chịu trách nhiệm chính: Bà Lương Thị Lan - PCT UBND huyện - Trưởng Ban Biên tập.
Địa chỉ: Khu phố 3, Thị trấn Trảng Bom, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai

Điện Thoại: (0251). 3866259; Fax: (0251). 3866405

Website: http://trangbom.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-tb@dongnai.gov.vn

Ghi rõ nguồn " UBND huyện Trảng Bom" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.