ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN TRẢNG BOM
Huyện Trảng Bom là một trong 11 huyện, thị, thành phố của Tỉnh Đồng Nai được thành lập ngày 01/01/2004 theo Nghị định số 97/NĐ-CP ngày 21/08/2003 của Chính phủ trên cơ sở chia tách từ huyện Thống Nhất cũ thành 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất hiện nay.
Huyện Trảng Bom có 17 đơn vị hành chính cấp xã-thị trấn bao gồm 16 xã và Thị trấn Trảng Bom, với 71 đơn vị Ấp- Khu phố.
Về địa giới huyện Trảng Bom cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km về phía Đông Bắc. Phía Bắc giáp với huyện Vĩnh Cửu, phía Nam giáp với huyện Long Thành, phía Đông giáp với huyện Thống Nhất và phía Tây giáp với Thành Phố Biên Hòa.
Tổng diện tích đất tự nhiện toàn huyện là: 32.368 ha, tổng dân số huyện Trảng Bom tính đến cuối năm 2012 là 275.021 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 197.700 người chiếm tỷ lệ 72% trên tổng dân số.
Trảng Bom là một huyện của tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam gồm Thành Phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20 và tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua.
Một số thành tựu chủ yếu về kinh tế đạt được trong 5 năm 2005-2010:
Với địa thế thuận lợi như trên, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện luôn đạt khá cao. Cụ thể trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của huyện có mức tăng trưởng bình quân là 22,8%/năm, trong đó ngành Công nghiệp-xây dựng tăng 26,6%/năm, ngành Dịch vụ tăng 20,5%/năm, ngành Nông-lâm nghiệp tăng 6,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp 70%, dịch vụ 21,6%, nông nghiệp là 8,4% trong GDP. GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2010 đạt 34,466 triệu đồng.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2005-2010) đạt 16.249 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 51,7% so với GDP.
Tổng thu ngân sách 5 năm đạt 3.406 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm, đạt tỷ lệ 10% GDP hàng năm.
Trên địa bàn huyện hiện có 04 khu công nghiệp với tổng diện tích là 1.943 ha, trong đó có 03 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đó là khu công nghiệp Hố Nai, Sông Mây và Bàu Xéo đã thu hút 187 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1,4 tỷ USD. Đã có 127 dự án đi vào hoạt động thu hút trên 70.000 lao động. Đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 6/7 Cụm công nghiệp địa phương với diện tích là 265 ha, hiện đã và đang kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng để thu hút các Dự án đầu tư.
Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế trong 5 năm 2011-2015:
Từ những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thư II nhiệm kỳ 2010-2015 đã quyết nghị một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế như sau:
Tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân từ 15-16%/năm, trong đó công nghiệp-xây dựng tăng 14-15%/năm, dịch vụ tăng 24-25%/năm, nông-lâm-ngư nghiệp tăng 5,5-6%/năm
GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt khoảng 69 triệu đồng (tương đương 3.200-3.300 USD theo giá hiện hành).
Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: công nghiệp chiếm 64-65%, dịch vụ chiếm 30-31%, nông nghiệp chiếm 5-6% trong GDP.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm khoảng 32.000-33.000 tỷ đồng, đạt 45,6-47% GDP.
Tổng thu NSNN hàng năm so với GDP đạt tỷ lệ từ 9-10%.
Về phát triển kinh tế tập thể, trong 5 năm xây dựng mới từ 15-20 Hợp tác xã các loại hình.
Tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Một số giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế:
Tập trung thu hút và phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của địa phương như vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn... đồng thời chú trọng thu hút các ngành sản xuất công nghệ cao.
Đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các Cụm công nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông tháng để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào địa phương.
Tập trung chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch của từng ngành, tiến hành quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới giao thông, các khu dân cư tập trung và mạng lưới điểm dân cư nông thôn, mạng lưới dịch vụ, học tập, giải trí cho công nhân, người lao động gắn với phát triển các Khu-Cụm công nghiệp để ưu tiên đầu tư hợp lý. Tiếp tục quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, khu khuyến khích chăn nuôi.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại, dịch vụ, ưu tiên các dự án có quy mô và giá trị đầu tư lớn nhằm tạo bước đột phát tăng tỷ trọng GDP. Chú trọng phát triển các các loại hình dịch vụ, chú trọng thu hút đầu tư phát triển các Trung tâm thương mại, siêu thị, các tuyến du lịch sinh thái ven lòng hồ Trị An gắn kết với Khu di tích Tỉnh ủy Biên Hòa.
Huy động tối đa các nguồn lực để cùng với ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Tập trung chỉ đạo công tác thu-chi ngân sách theo đúng luật định. Cải cách và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, đẩy mạnh công tác huy động vốn và cho vay đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, xây dựng và thực hiện tốt Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. tập trung tạo bước đột phá hơn nữa trong đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu khoa học-kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Xây dựng các vùng cây trồng tập trung có quy mô lớn, quy hoạch và phát triển vùng chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với công nghệ tiên tiến, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế trang trại phát triển.