(CTT-Đồng
Nai) - Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhiều thư viện ở Đồng Nai
hiện vẫn gặp khó vì hạ tầng công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực chuyên môn, và đặc
biệt là vướng mắc trong vấn đề bản quyền.

Bạn đọc quét mã QR sách trưng bày tại Thư viện Đồng Nai
Để
vượt qua những trở ngại đó, các thư viện trên địa bàn tỉnh cần được hỗ trợ cả về
kỹ thuật lẫn chính sách, từ đó tạo điều kiện cho người đọc tiếp cận kho tri thức
số một cách thuận tiện và hiệu quả hơn.
Nhiều
khó khăn trong số hóa sách thư viện
Phòng
Xử lý thông tin và tin học của Thư viện Đồng Nai được giao nhiệm vụ bổ sung, xử
lý nguồn tài nguyên thông tin thư viện, phục vụ bạn đọc. Trong quá trình thực
hiện chuyển đổi số thư viện, phòng được tạo điều kiện thuận lợi để mua sách
báo, số hóa tài liệu, tạo mã QR cho các tài liệu nội sinh. Tuy nhiên, công tác
này hiện gặp nhiều khó khăn, từ hệ thống máy chủ xuống cấp đến phần mềm quản lý
thư viện lỗi thời, chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Trưởng
phòng Xử lý thông tin và tin học Trần Thị Thủy cho biết, bên cạnh khó khăn về hạ
tầng cơ sở, hiện nay cán bộ có trình độ công nghệ thông tin của thư viện chưa
có chuyên môn nghiệp vụ và ngược lại. Quy định về bản quyền, quyền tác giả và
các quyền liên quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác, số hóa và phục vụ
bạn đọc trên không gian số. Ngoài ra, công tác bổ sung sách báo hiện nay do vướng
quy định đấu thầu nên ảnh hưởng lớn đến việc bổ sung sách báo cho đa dạng, kịp
thời.
Bà
Thủy mong muốn trong thời gian tới được tạo điều kiện để Thư viện Đồng Nai nâng
cấp hệ thống máy chủ và phần mềm quản lý để cập nhật, xử lý tài liệu một cách tốt
nhất, phục vụ bạn đọc. Bên cạnh đó, tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo chuyên
môn, nghiệp vụ và công nghệ cho cán bộ thư viện để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số
Nói
về khó khăn trong số hóa tài liệu, Giám đốc Thư viện Đồng Nai Trần Anh Thơ cho
hay, hệ thống hạ tầng công nghệ của thư viện hiện đã cũ, thường xuyên hư hỏng.
Việc đồng bộ và kết nối các thư viện trong tỉnh cũng như giữa các tỉnh với nhau
để chia sẻ nguồn tài liệu điện tử chưa thực hiện được, bởi hệ thống chưa đồng bộ,
chưa hiện đại… Điều này khiến cho việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số
trở nên khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Cần
chiến lược dài hạn…
Cũng
theo bà Trần Anh Thơ, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thư viện Đồng Nai đã
nỗ lực số hóa hàng trăm đầu sách, trong đó chủ yếu là tài liệu địa chí, vốn
sách quý về vùng đất, con người Đồng Nai. Đặc biệt, thư viện tiếp tục tạo mã QR
cho sách; duy trì và phát triển trang thông tin điện tử, YouTube, Facebook của
đơn vị, thường xuyên viết tin, bài, cập nhật các hoạt động của thư viện, giới
thiệu sách, các video clip, phục vụ nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Cán bộ Thư viện Đồng Nai hướng dẫn bạn đọc quét mã QR tài liệu địa chí,
sách về văn hóa, con người Đồng Nai đã được số hóa
Việc
giải quyết các khó khăn đòi hỏi một chiến lược dài hạn, sự đầu tư vào cơ sở hạ
tầng công nghệ, nguồn nhân lực và sự thay đổi thói quen của người đọc. Hiện Thư
viện Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn, xây dựng Đề án Chuyển đổi
số Thư viện tỉnh Đồng Nai trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin chủ trương
UBND tỉnh thực hiện. Trong thời gian chờ đề án được phê duyệt, để duy trì hoạt
động, đơn vị sẽ tổ chức sửa chữa, nâng cấp hệ thống máy chủ; đồng thời, tiếp tục
số hóa tài liệu, tạo mã QR phục vụ bạn đọc.
Chuyển
đổi số thư viện tại Đồng Nai là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng
phục vụ bạn đọc. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, thư viện và cộng
đồng đã và đang góp phần giúp hệ thống thư viện số tại Đồng Nai ngày càng phát
triển, góp phần nâng cao tri thức và phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc trong
thời đại số.
Hòa Bình
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng
Nai)