Nhắc
đến vợ chồng anh Phạm Thanh Tuấn và chị Nguyễn Thị Phương Mai, đều sinh năm
1992, hiện đang công tác tại UBND xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, hẳn ở đây ai
cũng cảm nhận được ở họ một nghị lực
phi thường, sự kiên cường vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh trong cuộc
sống. Điều đặc biệt hơn nữa ở họ chính là tấm lòng nhân hậu cao cả, tinh thần cho đi mà không đòi hỏi nhận lại.
Dù còn rất trẻ, nhưng hai vợ chồng đã tự nguyện đăng ký hiến xác cho y học,
hiến mô, tạng để cứu người sau khi qua đời - một quyết định cao quý mà không phải ai trong chúng ta cũng đủ dũng cảm
để thực hiện.


Hai vợ chồng tại buổi đăng ký hiến
xác cho y học, hiến mô, tạng để cứu người sau khi qua đời
Anh
Phạm Thanh Tuấn hiện là Phó Chủ tịch Ủy
ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh, còn chị Nguyễn Thị Phương Mai mới được
tuyển vào làm cán bộ không chuyên trách xã. Họ kết hôn năm 2016, khi gia đình
nội ngoại hai bên còn nhiều khó khăn, anh
chị cất tạm một phòng nhỏ khoảng 20 mét vuông để ở riêng. Cứ ngỡ cuộc
sống vợ chồng trẻ sẽ dần ổn định, cùng nhau lao động, vượt qua khó khăn ban đầu
để xây dựng gia đình hạnh phúc, nhưng số
phận lại thử thách họ nhiều hơn thế. Nhiều lần mang thai nhưng sức khỏe
yếu khiến chị Mai không thể giữ được con. Trải qua những lần mất mát, anh chị vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Mặc dù kinh tế
còn gặp nhiều khó khăn, song sau bao nỗ lực chạy chữa, cuối cùng niềm hạnh phúc
cũng đến - chị Mai đã mang song thai. Suốt chín tháng thai kỳ, chị gần
như phải nằm viện để theo dõi và dưỡng thai. Ngày hai bé gái chào đời, cả gia
đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhưng niềm vui ấy không kéo dài bao lâu, khi hai con được 9 tháng tuổi, anh chị phát
hiện một bé không có phản ứng khi bố mẹ gọi hay có tiếng động lớn xung quanh.
Linh cảm có điều gì đó không hay, anh chị đưa con đi khám thì bác sĩ kết luận
cháu bị “điếc sâu hai tai”, muốn chữa trị phải cần hơn 400 triệu đồng cho mỗi bên tai. Điều này là quá sức của anh chị khi
tiền bạc đã dồn vào chữa trị, chăm sóc cho chị Mai khi mang thai. Một
lần nữa, khó khăn lại đè nặng lên đôi vai của đôi vợ chồng trẻ, nhưng tình thương con vô bờ bến đã tiếp thêm sức
mạnh cho họ. Từng cánh cửa bệnh
viện, từng chương trình tài trợ nhân đạo đều được anh chị gõ cửa và tìm đến, với
hy vọng mong manh làm sao giảm chi phí chữa trị cho con… nhưng đều vô vọng.
Cuối cùng, họ đành vay mượn khắp nơi, từ nội ngoại, người thân, bạn bè và sự
giúp đỡ của đồng nghiệp, những người xung quanh. Nhờ sự chung tay của mọi người, ca phẫu thuật thành công, bé đã được gắn
ốc tai điện tử với tổng chi phí gần 450 triệu đồng.
Trải
qua những biến cố lớn, anh Tuấn và chị Mai
càng thấm thía ý nghĩa của sự sẻ chia, đồng cảm với những số phận kém may mắn
trong cuộc sống. Với tấm lòng nhân ái, họ đã suy nghĩ làm gì đó để giúp
được cho mọi người xung quanh. Qua tìm hiểu, anh chị biết đến chương trình hiến
xác cho y học, hiến mô, tạng để cứu người sau khi qua đời. Không chỉ là suy nghĩ thoáng qua, anh chị đã bàn
bạc và chủ động liên hệ với các bệnh viện lớn để hoàn tất thủ tục hiến xác và
hiến mô, tạng sau khi qua đời. Không dừng lại ở đó, anh Tuấn còn tích
cực tham gia hiến máu nhân đạo, cho đến nay anh đã 9 lần sẻ chia giọt máu quý giá của mình để cứu người thông qua các đợt
phát động hiến máu nhân đạo của Hội chữ thập đỏ các cấp. Khi tôi ngỏ ý
muốn xem giấy chứng nhận hiến xác, hiến mô, tạng, anh cười và nói: “Mấy giấy
đó em để trong cốp xe của vợ đang đi công việc, khi nào về em lấy cho anh xem.”
Tôi
thắc mắc: “Sao giấy tờ quan trọng vậy lại để ở cốp xe?”
Anh
Tuấn trả lời một cách đầy giản dị nhưng khiến tôi nghẹn lời: “Biết là quan
trọng, nhưng vợ chồng em thỏa thuận rồi, cứ để ở cốp xe. Nếu một trong hai
người có mệnh hệ gì thì người kia sẽ lấy ra và báo ngay cho bệnh viện để họ kịp
thời xử lý.”
Câu nói ấy khiến tôi lặng người, chỉ biết gật đầu,
quay đi để giấu đi những cảm xúc đang dâng trào trong lòng. Tôi cố giữ bình
tĩnh, nhìn ra sân nơi hai đứa trẻ đang chơi hồn nhiên bên những chậu hoa hồng
mà chị Mai chăm sóc mỗi ngày. Nhìn những
bông hồng rực rỡ, lung linh nhưng cũng không tránh được kiếp vô thường như
chính cuộc đời mỗi con người, dù có như thế nào đi chăng nữa cũng không tránh
khỏi quy luật sinh - lão - bệnh - tử.
Việc
hiến mô, tạng sau khi qua đời là một hành động vô cùng cao đẹp và ý nghĩa. Khi đó, sự ra đi của họ không còn là hư
không, vô nghĩa, bởi từ cái chết này, một sự sống khác được hồi sinh.
Nhờ sự hy sinh ấy, một phần cơ thể họ
vẫn tồn tại trên cuộc đời này, mang đến hy vọng cho những số phận khác; sự “cho
đi là còn mãi” của họ trở thành tấm gương, động lực để cho mọi người sống, học
tập, làm theo và nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự
thành công vượt bậc của y học, mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính
nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người như câu chuyện của anh chị Tuấn -
Mai. Ngoài anh Tuấn, chị Mai ra thì có rất nhiều người đã xác định trước
khi ra đi mãi mãi họ vẫn kịp giúp “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác bằng cách
hiến một bộ phận cơ thể mình. Đối với thân nhân của họ, dù nỗi nhớ thương da
diết, nỗi đau quặn thắt về sự mất mát, nhưng điều hạnh phúc và niềm tự hào nhất
với họ là người thân của mình vẫn hiện hữu trong cơ thể của người khác bằng
những bộ phận được cấy ghép. Sự hồi sinh của những cuộc đời bằng nghĩa cử đầy
nhân văn, cao đẹp thật đáng trân trọng.
Xin
tri ân nghĩa cử cao đẹp của anh chị Tuấn - Mai. Chúc anh chị luôn mạnh khỏe, vững bước trên hành trình nuôi dạy hai con của
mình khôn lớn. Mong rằng mai này, hai bé con anh chị sẽ hiểu được giá trị của sự cho đi và nối tiếp tấm lòng
cao đẹp của bố mẹ mình.
XUÂN TRƯỜNG