Ðến ấp Trà Cổ, xã Bình Minh mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến những người thợ nơi đây làm ra những chiếc thuyền gỗ mỹ nghệ đủ mẫu mã, kích thước khác nhau, từ những chiếc thuyền buồm, titanic, canô... chỉ vài chục cm cho đến những chiếc cao hơn đầu người, dài vài mét. Những người thợ ở đây có đủ lứa tuổi, người có sức khỏe lo khâu khoan, bào, đục; người yếu hơn chịu trách nhiệm khâu dán ghép thành phẩm, trẻ nhỏ thì phun sơn. "Dây chuyền" sản xuất thủ công vận hành nhịp nhàng và cuối cùng cho ra những chiếc thuyền xinh xắn, đầy đủ những chi tiết nhỏ nhất.
Khi được hỏi nghệ nhân hoặc trường lớp đào tạo, những người thợ cho biết, chẳng có thầy mà cũng không có trò, người dân phải tự mày mò sau khi quan sát thực tế qua mẫu hoặc hình chụp trên sách báo, làm quen tay rồi thành thợ lúc nào không hay, rồi cứ thế người già truyền cho người trẻ.
Trước đây những hộ gia đình làm nghề gặp không ít khó khăn bởi không có sự trợ giúp của máy móc, người thợ phải làm việc hoàn toàn thủ công, từ khâu chế tạo phôi làm nguyên liệu đến chế tác toàn bộ chi tiết trước khi ráp dán thành phẩm. Lúc ấy, mỗi tháng mỗi hộ sản xuất được một trăm sản phẩm cũng khó. Ngày nay công việc nhẹ nhàng hơn, do chế tạo phôi đã có máy móc tuy không lớn nhưng đã hỗ trợ về khoan lỗ, mài, gọt... do đó, năng suất tăng lên nhiều lần. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, không riêng các thành phố lớn, khu du lịch, các sản phẩm thuyền gỗ, thuyền buồm nơi đây đã xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Từ một số ít hộ ban đầu, đến nay, Bình Minh đã có vài chục hộ sống bằng nghề làm hàng gỗ mỹ nghệ nói chung và làm thuyền gỗ mỹ nghệ ở ấp Trà Cổ nói riêng và nó đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Xuân Trường