Huyện Trảng Bom có 42 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 41 dân tộc thiểu số với 39.512 khẩu chiếm tỷ
lệ 11,3% so với dân số của toàn huyện,
trong đó người Hoa đông nhất chiếm 52,5% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số, kế
đến là người Nùng, Tày; đồng
bào dân tộc thiểu số sinh sống tại hầu hết 17 xã - thị trấn, nhưng chủ yếu sống
tập trung ở 08 xã như: Bàu Hàm, Sông Thao, Tây Hòa, Thanh Bình, Cây Gáo, Sông
Trầu, Bắc Sơn và Hố Nai 3.

Lễ Tả Tài Phán
Đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều nét văn hóa đặc sắc, tuy nhiên
trong điều kiện ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, với sự xâm lấn của các
nền văn hóa, một số phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo của đồng bào các
dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hiện nay có xu hướng đang dần mai một.
Đồng bào các dân tộc thiểu số rất coi
trọng đời sống tâm linh, điều đó được thể hiện qua hệ thống các chùa, miếu xây
dựng và những tín ngưỡng tôn giáo được duy trì sinh hoạt (nhất là của người
Hoa). Nghề thủ công truyền thống: nghề làm vàng mã, làm nhang... Trang phục
truyền thống: Một số ít đồng bào vẫn giữ được trang phục
truyền thống của dân tộc mình và thường mặc vào những ngày Lễ, Tết, hiếu
hỉ. Về tiếng nói, chữ viết: Đồng bào các dân tộc thiểu số hiện
nay hầu hết là sử dụng ngôn ngữ của đồng bào Kinh, một số ít đồng bào dân tộc
thiểu số vẫn còn sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình như: đồng bào dân tộc Hoa,
Nùng có tiếng nói riêng. Về chữ viết thì hầu hết đều sử dụng chữ quốc ngữ,
không còn sử dụng chữ viết của dân tộc mình, đồng bào dân tộc Hoa có chữ viết
riêng bên cạnh việc sử dụng chữ quốc ngữ. Tri thức dân gian: Một số rất ít đồng
bào, nhất là người lớn tuổi còn hiểu biết được một số nét văn hóa truyền thống
của dân tộc mình, chẳng hạn như: Lời khấn vái trong Lễ hội Tả Tài phán của đồng
bào dân tộc Hoa, Nùng; Lễ vật dùng để cúng tế, nghi thức cúng tế của các dân
tộc…; Lễ hội, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ: Chỉ còn lại một số ít các loại
hình sinh hoạt như: Lễ hội Tả Tài Phán của dân tộc Hoa, Nùng...
Về tôn giáo, tín
ngưỡng: Thờ cúng tổ tiên là nghi lễ phổ biến của đồng bào người Hoa, Nùng trên
địa bàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều lễ trong năm: Lễ hội Tả tài
phán (Đại phan), Lễ Mùa Xuân (2/2 âm lịch), Lễ Mùa Hè (2/5 âm lịch), Lễ Mùa Thu
(12/7 âm lịch), Lễ Vu Lan (14/7 âm lịch), Lễ Mùa Đông chí (tháng 11 âm lịch),
Trả lễ cuối năm (tháng 12 âm lịch). Trong đó lễ Đại Phan (Tả tài phán) là lễ
hội lớn nhất. Đây là lễ hội của cộng đồng người Hoa - Nùng đến Đồng Nai sinh sống từ sau
năm 1954. Lễ hội này có tính chất cầu an và có nghi thức tấn phong (lên chức)
của thầy cúng ở các bậc Tài Phán Xí. Đây
là lễ truyền thống của đồng bào người Hoa - Nùng được thường xuyên duy trì tổ chức luân phiên hàng năm;
lễ này thường được tổ chức vào những tháng cuối năm tại các vùng có đông đồng
bào người Hoa sinh sống. Những khu vực tập trung người Hoa - Nùng sinh sống
thường có một miếu thờ Thổ Thần hoặc Quan Âm. Đây cũng chính là nơi tổ chức lễ
Tả Tài Phán.

Lễ Tả Tài Phán
Về ẩm thực: đồng bào dân tộc thiểu số có
rất nhiều món ngon, đặc sắc, trong đó kho nhục và gà trống thiến là những đặc
sản rất dân dã, mộc mạc.
Kho nhục (khâu nhục) là đặc
sản nổi tiếng của người dân tộc Nùng, Tày của vùng đất phía bắc và đã được
người dân tộc mang theo khi định canh tại vùng đất Trảng Bom, Đồng Nai. Là món
ăn có xuất xứ từ người Hoa, sau khi du nhập vào Việt Nam, món ăn được người dân
tộc Tày, Nùng, biến tấu với hương liệu Việt để trở thành đặc sản nổi tiếng ngày
nay. Món ăn thường xuất hiện trong những dịp lễ tết hay cưới hỏi, thường ăn kèm với cơm, bánh mỳ, bún. Để chế biến món
ăn này, cần chuẩn bị các nguyên liệu: thịt heo (chọn loại thịt ba chỉ là ngon
nhất), các gia vị: nước tương, hành tỏi băm nhỏ, bột ngọt, bột nêm đặc biệt
không thể thiếu cải bắp thảo, chao đỏ là gia vị làm nên nét đặc trưng của món
kho nhục. Thịt heo cắt miếng vừa ăn, đem chiên vàng đều hai mặt cho bì heo vàng
giòn. Ướp thịt heo vừa chiên vàng giòn với các gia vị kể trên cho thấm, nêm nếm
gia vị cho vừa khẩu vị của từng người, lưu ý chỉ nên cho một chút nước tương
không nên cho muối vào ướp vì trong cải bắp thảo, chao đỏ đã có vị mặn. Sau đó
đem chưng cách thuỷ cho đến khi thịt heo chín mềm, nước sánh lại màu vàng nâu
là đã hoàn tất món kho nhục truyền thống của người dân tộc Nùng, Tày.
Gà trống thiến là một
trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trên bàn tiệc của đồng bào dân
tộc thiểu số Nùng, Tày ở Trảng Bom. Phần lớn mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số
nơi đây đều “vỗ béo” vài chú gà thiến để dành thiết đãi khách quý hoặc làm tiệc
ăn mừng, hiếu hỷ. Gà
thiến chế biến ngon nhất, đậm đà hương vị nhất chính là món gà luộc. Đây cũng
là món khoái khẩu nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Gà thiến luộc
vừa chín tới, chặt miếng to, chấm với nước tương và củ địa liền (xá kiếng) được
xem là đặc sản của người Nùng ở Trảng Bom. Khách tới chơi nhà mà chủ nhà không
thiết đãi món này sẽ bị chê là không hiếu khách. Món gà trống thiến không chỉ dùng
để đãi khách, tiệc tùng mà còn thể hiện lòng hiếu khách, văn hóa ẩm thực của
đồng bào dân tộc thiểu số Nùng, Tày ở Trảng Bom.
Ngoài ra vào các dịp quan trọng như lễ
tết, cưới hỏi, đồng bào dân tộc thiểu số còn làm các món ăn truyền thống đã trở
thành đặc sản như: bánh bao chỉ, bánh tổ, bánh đúc, bánh tro, bánh khảo (bánh
in), bánh cao, bánh gai (bánh đeo vai)…
Những nét đẹp trong văn hóa - ẩm thực của đồng
bào các dân tộc thiểu số đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh
thần của nhân dân trên địa bàn huyện và rất cần các thế hệ trẻ chung sức bảo tồn và phát huy những
giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội, tín ngưỡng dân gian của đồng bào
các dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu
văn hóa tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện./.
Thảo Ly