Thời gần đây, nhiều người dân ở Đồng
Nai đang truyền tai nhau về hiệu quả vượt bậc của thiết bị “máy bay không người
lái”, có thể thay thế con người làm các công việc chăm sóc cây trồng như phun
thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, tưới nước vv… vừa giảm tới hơn 90 % sức người,
đồng thời giảm chi phí đầu tư hàng chục triệu đồng trên mỗi hécta so với cách
làm cũ. Để hiểu rõ hơn về công nghệ này, chúng tôi đã có dịp gặp anh Vòng Liềng
Sồi, ngụ tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Người tiên phong ứng dụng
thiết bị hiện đại này vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Từ phục vụ sản xuất của gia đình
Một ngày cuối tháng 9, theo chân
anh Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch hội nông dân huyện Trảng Bom, chúng tôi đi qua những
con đường đã được thảm nhựa, hai bên đường được phủ một màu vàng rực rỡ của cây
hoa hoàng yến. Cùng những vườn chuối cấy mô xanh mơn mởn, trải dài bất tận. Từ
xa một chiếc máy bay không người lái đang bay lượn trên không trung. Trong chốc
lát, chúng tôi đã gặp được anh Sồi. Khi anh đang điều khiển chiếc “ máy bay
không người lái ” phun thuốc bảo vệ thực vật trên vườn chuối hơn 3 héc ta của
mình.
Nếu không tận mắt chứng kiến chiếc
máy bay không người lái đang bay lượn trên bầu trời, liên tục phun thuốc xuống
vườn chuối. Có lẽ không ai có thể tưởng tượng được, việc chăm bón cây trồng lại
trở nên nhẹ nhàng tới vậy. Vừa trao đổi với chúng tôi, anh Sồi vẫn có thể điều
khiển chiếc máy bay không người lái thực hiện công việc của mình.
Theo anh chia sẻ, cách đây 1 năm,
mỗi khi đến kỳ chăm sóc, bón phân cho cây trồng, anh phải thuê hơn 20 lao động
làm việc cật lực khoảng 15 ngày mới hoàn thành việc phun thuốc, bón phân, nhổ cỏ…chi
phí cho mỗi lần chăm sóc như vậy khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên không phải
lúc nào việc thuê mướn công làm cũng thuận lợi. Để đảm bảo tiến độ chăm sóc định
kỳ cho vườn cây, buộc anh phải duy trì việc trả lương tháng cho hơn 10 người
lao động để chăm sóc cho 10 héc ta chuối cấy mô.

Anh Vòng Liềng Sồi đang điều khiển máy
bay phun thuốc
Qua tìm hiểu trên mạng internet
và các phương tiện truyền thông, anh đã biết đến mô hình ứng dụng “máy bay
không người lái” vào bón phân, tưới nước. Nhận thấy đây là cánh tay đắc lực cho
người nông dân, không chỉ bản thân gia đình anh mà còn cho rất nhiều người làm
nông nghiệp khác. Từ đó, anh đã đi tới tận các tỉnh Miền Tây để được tận mắt chứng
kiến chiếc máy bay không người lái làm việc. Vì vậy, anh quyết tâm đầu tư 500
triệu đồng, mua chiếc máy bay về để phun xịt thuốc. Có chiếc máy trong tay, việc
chăm sóc vườn chuối đã dễ dàng hơn so với trước, chi phí thuê nhân công giảm tới
90%, vào ngày phun thuốc, anh chỉ cần pha thuốc vào một chiếc thùng phi loại 1
ngàn lít, gắn romoc vào máy bay, ngồi trên vườn điều khiển chiếc máy chạy theo
đúng lập trình. Trung bình, mỗi hecta chỉ mất 45 phút được phun thuốc xong,
trong khi trước đây, phải mất gần 2 ngày.
Anh Sồi cho biết “Mười mấy năm làm nghề chồng chuối cấy mô xuất
khẩu, vào mỗi kỳ phun thuốc chúng tôi rất vất vả. Nhưng từ khi tôi mua chiếc
máy bay này, phải nói nó cực kỳ hiệu quả, giảm chi phí đầu tư, công sức rất nhiều
”.
Đến dịch vụ phun thuốc thuê khắp nơi
Nếu trước đây, phải cật lực cả
tháng mới hoàn thành công việc thì nay, chỉ một ngày đã phun xong 10 héc ta chuối.
Chiếc máy bay, không chỉ làm việc cho gia đình, thời gian còn lại, anh Sồi còn
mở thêm dịch vụ phun thuốc thuê cho những hộ dân trồng cây khác như cam, quyết,
bưởi, cao su, sầu riêng, gừng vv... ở các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán
vv... Theo chân anh Sồi, chúng tôi đến thăm vườn trồng gần 10 héc ta bưởi, sầu
riêng của gia đình anh Lợi, ngụ xã Sông Trầu. Cả chủ nhà và khách đều có thời
gian nhâm nhi những tách cà phê, không quên câu chuyện về chiếc “máy bay không
người lái”.
Anh Lợi phấn khởi kể: nếu thời
gian trước, vào giờ này, mặc dù làm chủ một trang trại trái cây, nhưng mình
cũng phải trực tiếp cùng người làm phun xịt thuốc, mỗi đợt cũng mất gần cả
tháng mới xong. Cách đây vài tháng, khi đang phun thuốc, tôi hướng mắt về khu
vườn chuối, cách trang trại của tôi vài trăm mét thì thấy chiếc máy bay nhỏ,
lúc đầu cũng chỉ nghĩ là ai đó đang thực hiện
trò chơi cho trẻ con. Nhưng thực tế không phải vậy, tìm hiểu ra mới biết
anh Sồi, đang phun thuốc trừ sâu cho vườn chuối. Nên tôi đã chạy sang, đặt vấn
đề nhờ anh Sồi phun dùm.
Nói về hiệu quả so với phun thủ
công như trước đây, anh Lợi khẳng định, với một số loại sâu bệnh như bướm trắng
đẻ trứng, bọ xít muỗi, nhện đỏ, sâu vẽ bò vvv… là gây hại cho cây trồng rất nhiều.
Trước mình phun thuốc bằng thủ công, phải mất thời gian dài, côn trùng vẫn quay
trở lại. Từ khi phun thuốc bằng máy bay,
chỉ mất một thời gian ngắn, nên các loại côn trùng này không kịp bay đi, chết rất
nhiều. Trước mắt, sâu bệnh gây hại đã giảm đi rất rõ rệt.
Anh Lợi phấn khởi “Từ trước đến nay chỉ nghe máy bay chở người,
chở hàng chứ đâu có nghĩ người ta có thể chế tạo cả máy bay phun xịt thuốc cho
cây trồng, lại không cần người lái. Vậy mà nó có thể phun thuốc một cách cẩn thận,
không bỏ sót cây nào, thời gian thì chỉ còn tính bằng phút. Quá nhanh, lại hiệu
quả. Mới 5 tháng nay, tôi đã tiết kiệm được trên 300 triệu đồng tiền công. Số
tiền này, tôi dự định sẽ mua một chiếc máy bay không người lái, để chủ động hơn
nữa trong chăm sóc cây trồng. Thời gian còn lại, bà con nào có nhu cầu tôi sẽ
mang máy đi làm, để tăng thêm thu nhập”.
Chức năng của chiếc máy bay không
người lái không chỉ phun xịt thuốc cho cây trồng lâu năm, mà nó có thể phun thuốc
ở tất cả các loại cây trồng hàng năm như cây lúa, đậu lạc, bắp, gừng vvv..anh Sồi cho biết thêm.

Máy
bay không người lái chuẩn bị phun thuốc
Để được trực tiếp nghe những cảm
nhận của bà con nông dân từ khi ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào
sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi tiếp tục theo chân anh Sồi đi phun thuốc định kỳ
cho vườn cam 5 héc ta của gia đình ông Vòng A Sáng ở xã Sông Thao. Hiện ông
cũng đang thuê anh Sồi phun thuốc cho trang trại trái cây của gia đình.
Ông Sáng nói “ gần 70 tuổi rồi,
nay tôi mới biết đến máy bay có thể phun được cả thuốc mà không cần người lái.
Lúc đầu tôi cũng hoài nghi lắm, nhưng khi thấy nó phun thuốc trên vườn cam làm
tôi không tin vào mắt mình. Trước đây tôi toàn phải đeo bình đi phun thuốc vừa
nắng, mùi thuốc sâu nồng nặc. Nay quá khỏe
rồi. Chỉ mất vài tiếng, hơn 5 héc ta cam đã được phun xong, không tốn công sức
nào”.
Qua tìm hiểu được biết, chiếc máy bay
không người lái được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Chỉ cần một người ngồi dưới mặt đất điều
khiển, nó có thể tự do bay lượn trên bầu trời. Thực hiện mục đích phun xịt cho
từng loại cây trồng mà bà con nông dân đang hướng tới. Đối với cây trồng như bưởi,
sầu riêng, chuối, cam, quyết vv…máy bay không người lái bay trên cao, cách ngọn
cây khoảng 3 mét, để phun thuốc, đối với các loại cây họ đậu, lúa vv…yếu hơn,
có thể bay cách mặt đất 5 mét để đảm bảo cây trồng không bị dập nát, hư hỏng
nhưng vẫn đảm bảo việc thuốc bảo vệ thực vật thẩm thấu vào thân lá cây đều. Ưu
điểm của thiết bị này
là lượng thuốc chỉ hết 1 phần 10 so với
phun xịt theo kiểu truyền thống. Thời gian phun được
rút ngắn, người dân không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn
Sơn, chủ tịch Hội nông dân huyện Trảng Bom cho biết “ Thời gian gần đây, chúng tôi đã biết được có anh Sồi là
người tiên phong ứng dụng thiết
bị “Máy bay không người lái” vào sản xuất nông nghiệp. Qua thăm hỏi bà con nông dân, cho thấy hiệu quả mà công
nghệ này mang lại rất cao. Giảm cả chi
phí đầu tư, công lao động,
đặc biệt không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu.
Đây cũng là bước khởi đầu cho phong trào áp dụng thành công khoa học kỹ thuật
vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Với đặc thù là địa
phương tập trung sản xuất nông nghiệp chiếm phần nhiều, tập trung ở các xã như
Cây gáo, Thanh Bình, Bàu Hàm..vvv. Với hàng ngàn héc ta chuyên canh trồng bưởi
da xanh, chuối cấy mô,
cao su, tiêu... Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tuyên truyền rộng rãi
mô hình này tới bà con nông dân. Đồng thời đề nghị huyện có chính sách hỗ trợ
bà con
mua máy mới. Để nhiều nông
dân biết biết
đến thiết bị hiện đại này”.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật
vào sản xuất nông nghiệp như thiết bị “ máy bay không người lái” của anh Vòng
Liềng Sồi mà chúng tôi đề cập, là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho người nông dân
trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là bước chuyển đổi quan trọng, trong việc đẩy mạnh số hóa nông nghiệp, giúp
bà con giảm bớt công sức, tiền của, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hạn chế tối đa
việc tiếp xúc trực tiếp với thuốc Bảo vệ thực vật. Tuy nhiên giá thành mua máy
khá cao, nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ
có nhiều nông dân được tiếp cận với thiết bị kỹ thuật hiện đại này để từng bước
cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để người nông dân Việt Nam vươn
tầm khu vực và thế giới./
Thanh
Trà