Cứ đến rằm tháng Tám hàng
năm, cơ sở bánh trung thu Đông Thành gia truyền của hộ ông Lù A Nhì - ngụ tại
xã Sông Thao, huyện Trảng Bom lại tất bật với những mẻ bánh để phục vụ nhu cầu
của người tiêu dùng. Hơn 20 năm qua, ông cùng các thế hệ con cháu của mình vẫn
đang miệt mài, cố gắng lưu giữ nguyên vẹn hương vị của từng chiếc bánh cho ngày
Tết đoàn viên.
Đến
cơ sở sản xuất bánh Trung thu Đông Thành vào một ngày trung tuần cuối tháng bảy
âm lịch, chúng tôi thấy có khoảng10 nhân công đang tất bật với từng khâu làm
bánh. Mỗi người mỗi việc, tỉ mỉ, chỉnh chu trong từng công đoạn. Ông Lù A
Nhì- chủ cơ sở cho biết: Mùa bánh trung thu chỉ làm trong khoảng thời gian 20
ngày, bắt đầu từ ngày 18 tháng 7 đến mồng 8 tháng 8 âm lịch là kết thúc. Mỗi
khâu trong quy trình làm bánh đều rất quan trọng nên phải tập trung và căn chỉnh
thời gian chính xác. Để có những chiếc bánh ngon giữ được hương vị riêng độc
đáo, thơm ngon, từ công đoạn chọn bột đến làm nhân, đổ khuôn… tất cả đều làm khắt
khe tuân thủ kỹ thuật, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những bí quyết
làm bánh riêng của gia đình, cộng với việc lựa chọn nguyên liệu kỹ càng sẽ làm
nên hương vị đặc thù của những chiếc bánh trung thu. Ông Lù A Nhì - Chủ cơ sở
bánh Trung thu Đông Thành xã Sông Thao, huyện Trảng Bom cho biết: “Hồi xưa
chỉ có một loại bánh thôi, sau này đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng tôi
cố gắng tạo ra nhiều loại bánh với mẫu mã khác nhau. Bánh mình thì cũng có cái
thương hiệu bà con cũng chuộng là mình cố gắng làm để phục vụ cái mùa trung
thu.”
Mỗi
mùa trung thu, cơ sở ông sản xuất trên 50 ngàn bánh phục vụ nhu cầu người tiêu
dùng. Ngoài nhân bánh thập cẩm truyền thống, cơ sở ccòn đưa ra nhiều dòng bánh
Trung thu với các loại nhân khác nhau như nhân đậu xanh, khoai môn, lá dứa, hạt
sen… đặc biệt có loại bánh thập cẩm cao cấp được làm riêng theo yêu cầu của
khách hàng. Những năm qua, bánh trung thu của cơ sở Đông Thành không chỉ được cộng
đồng người Hoa tại địa phương ưa chuộng mà còn được người tiêu dùng ở trong và
ngoài tỉnh lựa chọn. Để cạnh tranh với các dòng bánh khác trên thị trường,
ngoài bí quyết gia truyền có chút hương vị thuốc bắc của người Hoa và bánh được
gói bằng giấy như trước thì những năm gần đây cơ sở đầu tư trang thiết bị máy
móc, bánh được đóng hộp, in nhãn mác sản phẩm đẹp mắt, đảm bảo an toàn vệ sinh
thực phẩm. Ông Dương Văn Bảo - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết:
“Cơ sở bánh Trung Thu Đông Thành là cơ sở có truyền thống sản xuất bánh
trung thu lâu năm ở địa phương, về cơ bản thì cơ sở này đáp ứng các điều kiện về
an toàn thực phẩm, huyện luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để cho các cơ sở này phát
triển nhằm tạo công ăn việc làm tại địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo các quy định
về an toàn thực phẩm, phòng Kinh tế phối hợp các ngành chức năng tiến hành đi
kiểm tra các cơ sở đảm bảo phục vụ tốt cho người tiêu dùng”
Với
ông Lù A Nhì, nghề làm bánh Trung thu không chỉ mang đến giá trị kinh tế; theo
dòng chảy thời gian ông cùng các con của mình đang cố gắng lưu giữ hương vị cổ
truyền của bánh Trung thu cho các thế hệ mai sau.
Thu Bồn - Trung Nguyên