Huyện Trảng Bom đang tích cực hỗ trợ các nhà vườn chuyển sang sản xuất sạch với nhóm cây trồng chủ lực. Đây là giải pháp đảm bảo đầu ra và giá cho sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Ý (ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) thu hoạch bưởi được chăm sóc theo quy trình hữu cơ. Ảnh: H.Lộc
Giải pháp trên sẽ góp phần vào phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững.
* Chuyển sang sản xuất sạch
Huyện Trảng Bom có diện tích chuối lớn nhất tỉnh với khoảng 6 ngàn ha. Trước đây, phần lớn nông dân mạnh ai nấy làm, ưng ai thì bán, năng suất và giá cả được đặt lên hàng đầu. Còn hiện tại, nhiều nhà vườn tham gia chuỗi liên kết, sản xuất theo quy trình và bán hàng cho HTX.
Ông Vầy Lầu Sáng (ngụ xã Sông Thao) cho biết, lúc mới chuyển đổi cây trồng, chỗ nào có đất là ông trồng chuối, không theo kế hoạch, không theo đơn hàng. Đến kỳ thu hoạch, mối nào mua giá cao thì ông bán. Từ khi tham gia HTX, ông trồng chuối, chăm sóc theo quy trình và bán sản phẩm cho HTX.
“Tôi trồng chuối theo kế hoạch thu mua của HTX, sử dụng phân bón và thuốc phòng trị bệnh sinh học. Năng suất tương đương như cách làm cũ nhưng sản phẩm được giá tốt hơn, đầu ra ổn định hơn” - ông Sáng chia sẻ.
Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Trảng Bom Trần Ngọc Tú cho biết, thời gian đầu, việc vận động nông dân tham gia HTX gặp nhiều khó khăn do nông dân quen tư duy sản xuất, bán hàng cũ. HTX đã hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cây giống và phân bón, cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện tại, HTX đã liên kết với nhiều hộ dân trồng chuối sạch xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cũng theo ông Tú, các vườn chuối chăm sóc theo quy trình sạch có thể thu hoạch đến lứa thứ 4-5 mà năng suất vẫn cao. Sâu bệnh giảm, chi phí đầu tư giảm và không lo vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học.
Cùng với chuối, những năm gần đây, nhiều vườn cây ăn quả tạp, tiêu, điều, mía kém hiệu quả được chuyển sang trồng bưởi. Ông Nguyễn Trọng Ý (ngụ xã Đông Hòa) cho biết, 8 năm trước, ông bỏ điều trồng 5ha bưởi da xanh. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, thêm phần đất đai bạc màu nên tỷ lệ đậu trái thấp. Được tham gia các lớp tập huấn và tham quan thực tế, ông chuyển sang làm bưởi theo quy trình hữu cơ. Hiện tại, ông Ý mở rộng ra 17ha bưởi, trong đó có 12ha cho trái.
“Làm nông nghiệp hữu cơ không cao siêu như mình tưởng. Thay vì làm sạch cỏ, tôi để chúng mọc, khi lớn dùng máy phát ngang gốc, cỏ khi mùn đi sẽ giúp làm tơi xốp đất. Rễ cỏ giúp giữ lớp đất màu không bị rửa trôi. Tôi mua cá về ủ làm phân bón cho cây rất tốt” - ông Ý kể.
Nhờ việc thay thế hoàn toàn phân bón hóa học bằng phân bò và nước ủ cá, ông Ý tiết kiệm được 30% chi phí phân bón. Ngoài ra, ông cũng tự ủ thuốc trừ sâu bệnh với chi phí chỉ bằng 1/2 giá thuốc bán ngoài thị trường.
* Hình thành vùng sản xuất hàng hóa
Việc hình thành các vùng cây trồng lớn kết hợp với định hướng sản xuất sạch đang giúp H.Trảng Bom thu hút các DN, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình là vùng trồng chuối có gần 80% sản lượng được các HTX, công ty mua xuất khẩu và chế biến; vùng chuyên canh điều và ca cao tại 2 xã Đông Hòa và An Viễn có 3 DN bao mua, thông qua tổ hợp tác, HTX; vùng sầu riêng mới phát triển sau này cũng được 1 DN ký hợp đồng liên kết để xuất khẩu…
Sơ chế chuối để sấy khô tại HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom)
Giám đốc HTX Thanh Bình Lý Minh Hùng cho rằng, vấn đề của ngành Nông nghiệp Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung là khâu thông tin, dự báo thị trường chưa tốt. Nông dân sản xuất và bán những gì mình có mà không biết thị trường cần gì; sẵn sàng sử dụng các loại giống, phân bón, thuốc để gia tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng và an toàn của sản phẩm. Khi bắt tay hợp tác với nông dân, ông dần thay đổi thói quen bằng cách tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng, yêu cầu chăm sóc theo quy trình để sản phẩm đồng đều về chất lượng và mẫu mã; đi chào hàng và bán sản phẩm cho nhiều thị trường để hạn chế rủi ro; đa dạng sản phẩm chế biến để tăng hiệu quả kinh tế.
“Chúng tôi đang tạo cho nông dân hình thành tác phong công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Sản xuất có kế hoạch, có địa chỉ đầu ra. Gia tăng hiệu quả kinh tế bằng cách kéo dài “tuổi thọ” của cây, tạo ra sản phẩm chất lượng để xuất khẩu, đẩy mạnh chế biến, kể cả từ phụ phẩm. Đây mới thực sự là nông nghiệp bền vững” - ông Hùng chia sẻ.
Bà Sàn Thị Ngọc Thúy, cán bộ phụ trách trồng trọt Phòng Kinh tế H.Trảng Bom cho biết, để phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng, hàng năm UBND huyện ban hành kế hoạch về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn, học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP cho nông dân.
Đến nay, H.Trảng Bom đã hình thành các vùng trồng diện tích lớn, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công tác hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết, tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và quảng bá sản phẩm được duy trì thường xuyên. Đến nay, huyện đã xây dựng được 22 mã vùng trồng, 32 mã đóng gói, 13 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Hoàng Lộc
(Nguồn: Báo Đồng Nai điện tử)