Thứ 6 - 26/02/2016
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)
Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn, mừng đất nước đổi mới
Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện (01/01/2004-01/01/2024)
Nhiệt liệt chào mừng 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023)
Phòng tránh dịch bệnh Adeno


Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa
Nhiều phụ huynh có con nhỏ đang lo lắng khi số ca nhiễm virus Adeno đang gia tăng mạnh tại nhiều địa phương. Đáng lo hơn, từ đầu năm 2022 đến nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương (TP.Hà Nội) đã ghi nhận 6 ca trẻ tử vong và hàng chục trẻ khác đang chuyển nặng phải chăm sóc đặc biệt do biến chứng của Adeno.

Để người dân nắm được thông tin dịch bệnh và biết cách phòng tránh lây nhiễm virus Adeno, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai NGUYỄN TRỌNG NGHĨA về những thông tin cần thiết liên quan đến loại virus này.

* Nhiều phụ huynh có con nhỏ đang rất lo lắng khi số ca nhiễm virus Adeno gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa phương và đã có 6  ca tử vong. Vậy virus Adeno là gì? Tác nhân gây bệnh như thế nào, thưa ông?

- Từ thông tin chuyên môn, Adenovirus không phải là loại virus mới mà nó đã được phát hiện lần đầu vào năm 1953. Virus này thuộc họ Adenoviridae, được chia thành 2 nhóm chính: nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Trong nhóm gây bệnh ở động vật có vú (gồm cả con người), các chuyên gia đã phân lập được 47 loại virus Adeno.

Giống như cúm, Adenovirus hoạt động quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân - hè hoặc thu - đông, gây bệnh hô hấp cho người ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, các trường hợp đang điều trị tại đây ghi nhận Adenovirus là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp nặng và một số bệnh khác ở trẻ em.

* Đường lây nhiễm của Adenovirus như thế nào? Dịch bệnh này tại Đồng Nai ra sao, thưa ông?

- Viêm đường hô hấp do virus này rất hay gặp. Virus Adeno chủ yếu lây truyền qua đường giọt bắn và qua hô hấp giữa người với người. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn lau mặt, dụng cụ ăn uống. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.

Khi xâm nhập vào cơ thể, ban đầu Adenovirus sẽ gây ra các triệu chứng cúm, viêm hô hấp thông thường như: sốt cao, nhức đầu, đau mình... Sau đó có thể dẫn đến các biến chứng như: suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen phế quản… Nặng hơn có thể gây tổn thương gan, viêm gan, tổn thương não, viêm não...

Hiện nay trên địa bàn Đồng Nai chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Adeno nào. Tuy nhiên, do cơ chế lây nhiễm của virus Adeno là qua giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người giống như SARS-CoV-2 nên nguy cơ là không nhỏ. Bệnh viện cũng đã yêu cầu các khoa, nhất là khoa khám bệnh cần lưu ý trong quá trình khám và điều trị bệnh, nếu phát hiện ca nhiễm Adeno thì phải báo ngay để có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cũng như tập trung điều trị - trong trường hợp biến chứng nặng.

* Khi nhiễm Adenovirus, trẻ sẽ có triệu chứng, biểu hiện gì?

- Khi nhiễm Adenovirus trẻ sẽ có các triệu chứng như: nóng, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp. Triệu chứng viêm phổi do Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Cùng với các triệu chứng của viêm đường hô hấp thì viêm phổi do virus Adeno sẽ khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, ho và thở khò khè. Tùy theo thể trạng, có trẻ diễn tiến nhẹ nhàng, có thể tự khỏi, nhưng vẫn có trẻ sẽ có biểu hiện với triệu chứng rầm rộ, thở mệt. Những trẻ trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Tuy nhiên, do bệnh dễ lây và lây lan nhanh trong cộng đồng cũng như dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường, sẽ gây chủ quan. Nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Phụ huynh cần theo dõi sát trẻ để kịp thời phát hiện các biến chứng của Adeno. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị sốt cao. Ảnh minh họa: Phương Liễu
Phụ huynh cần theo dõi sát trẻ để kịp thời phát hiện các biến chứng của Adeno. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho một bệnh nhi bị sốt cao. Ảnh minh họa: Phương Liễu

* Virus Adeno gây ra những bệnh gì? Theo ông, trường hợp nào phải đưa trẻ đến bệnh viện?

- Các tổn thương thường gặp nhất khi nhiễm virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), một số bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…). Ngoài ra, virus này cũng gây bệnh viêm gan, viêm dạ dày, viêm não, màng não và viêm bàng quang, đặc biệt là ở bé trai.

Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi, nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, 6 ca tử vong do nhiễm virus Adeno đều thuộc nhóm trẻ có thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, có bệnh lý nền và phần lớn do phát hiện và điều trị bệnh trễ... Do đó, khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu của trẻ, khi thấy trẻ có biểu hiện chuyển nặng như thở rút lõm ngực, rối loạn tri giác, lừ đừ... nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.

* Được biết, Adeno hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Vậy theo ông, phụ huynh nên  làm gì để bảo vệ trẻ khỏi tình trạng lây nhiễm virus này?

- Adenovirus chưa có vaccine phòng ngừa vì có khá nhiều chủng. Những bệnh do Adenovirus gây ra cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do virus, vì đa số bệnh nhân sẽ tự khỏi, ngoài nguy cơ chuyển nặng cao ở những trẻ có bệnh nền, thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Để phòng lây nhiễm vius Adeno, phụ huynh cần nâng cao thể trạng cũng như tăng sức để kháng cho trẻ, tiêm vaccine ngừa cúm. Với trẻ nhỏ tháng nên cho uống vitamin A 6 tháng/lần tại trạm y tế, rửa tay thường xuyên, khi ho nên che miệng, mang khẩu trang khi đến nơi công cộng. Khi bị nhiễm virus Adeno không nên tiếp xúc gần với nhiều người, nhằm tránh lây lan virus cho cộng đồng.

* Xin cảm ơn ông!

Hiện nay chưa có số liệu đầy đủ về các ca nhiễm virus Adeno trong cả nước. Tuy nhiên, chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ ngày 1-8 đến 17-9 đã có hơn 500 trẻ nhiễm Adenovirus được ghi nhận (nhiều hơn tổng số ca nhiễm Adeno của cả năm 2021 và tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).

Phương Liễu (Báo Đồng Nai)​

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRẢNG BOM - TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN TRẢNG BOM

Giấy phép số: 01/GP-TTĐT do Sở TTTT Đồng Nai cấp ngày 25/02/2014
Chịu trách nhiệm chính: Bà Lương Thị Lan - PCT UBND huyện - Trưởng Ban Biên tập.
Địa chỉ: Khu phố 3, Thị trấn Trảng Bom, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai

Điện Thoại: (0251). 3866259; Fax: (0251). 3866405

Website: http://trangbom.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-tb@dongnai.gov.vn

Ghi rõ nguồn " UBND huyện Trảng Bom" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.