Thứ 6 - 26/02/2016
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024)
Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn, mừng đất nước đổi mới
Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện (01/01/2004-01/01/2024)
Nhiệt liệt chào mừng 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023)
Nhiều địa phương còn khó khăn trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) là lĩnh vực còn mới mẻ đối với nhiều địa phương và người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Do đó, quá trình triển khai thực hiện CĐS ở nhiều địa phương gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, trong đó có các vấn đề như: nhân sự, hạ tầng công nghệ số và kinh phí để triển khai, thực hiện…

Kho khan trong CDS.png 
Hiện nay, trong tỉnh đã thí điểm 2 trung tâm điều hành đô thị thông minh tại TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Đây là mô hình để các địa phương khác học tập kinh nghiệm để triển khai. Trong ảnh: Hệ thống kỹ thuật tại trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP.Biên Hòa. Ảnh: Phạm Tùng

​* Còn gặp nhiều khó khăn

Theo nhiều địa phương, hiện công tác triển khai các hoạt động CĐS ngày càng được quan tâm, chú trọng. Các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc để thực hiện hoạt động CĐS trên địa bàn. Tuy nhiên, do là vấn đề mới nên trong quá trình thí điểm, triển khai các “đầu việc” liên quan đến CĐS còn gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp với các địa phương trong tỉnh về công tác thực hiện CĐS vào cuối tháng 8-2022, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Trần Đức Hòa chia sẻ, địa phương đã chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, kế hoạch liên quan đến CĐS trên địa bàn. Một trong những vấn đề mà địa phương băn khoăn, mong muốn các sở, ngành liên quan và đơn vị viễn thông hỗ trợ đó là việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho quá trình CĐS. Bởi thực trạng hạ tầng ở địa phương còn gặp khó khăn, nhiều hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Trong đó, có vấn đề liên quan đến đảm bảo sóng viễn thông, việc lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) cần được triển khai đồng bộ, đảm bảo các quy định và đúng với quy hoạch…

Tương tự, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho biết, nhân lực, cơ sở hạ tầng là vấn đề mà địa phương cần thêm sự hỗ trợ, đầu tư để triển khai các nội dung CĐS một cách đồng bộ, đảm bảo lộ trình, kế hoạch đề ra…

Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Võ Thị Ngọc Lắm cho hay, địa phương băn khoăn về nguồn kinh phí để triển khai đề án về CĐS một cách phù hợp với thực trạng và kế hoạch đề ra. Ngoài ra, đối với việc triển khai các nội dung liên quan đến xã hội số, huyện gặp các khó khăn như: ở khu vực nông thôn, nhiều người dân vẫn chưa quen với việc tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh nên việc tiếp cận các nội dung CĐS còn nhiều hạn chế; hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn còn ít nên việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số, đăng ký tài khoản ngân hàng… còn nhiều khó khăn hơn các địa phương khác nên cần có lộ trình triển khai phù hợp.

Ngay cả các đô thị, thành phố lớn, việc triển khai CĐS cũng gặp phải các vấn đề nhất định, nhất là việc nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Cũng tại cuộc họp nói trên, lãnh đạo Phòng VH-TT TP.Biên Hòa chia sẻ, đối với cơ sở hạ tầng, TP.Biên Hòa cơ bản đảm bảo, dần thực hiện theo lộ trình CĐS đề ra. Địa phương chủ động nâng cao hiệu quả tuyên truyền để người dân ngày càng quan tâm đến việc đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Bởi hiện nay, tỷ lệ sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao. Đơn cử, đối với các thủ tục về tư pháp và đất đai, phần lớn người dân vẫn chọn hình thức đăng ký hồ sơ trực tiếp bởi nhiều thủ tục, giấy tờ đi kèm chưa dễ triển khai theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian tới, thành phố sẽ rà soát các nội dung có liên quan để vừa đơn giản hóa các thủ tục hành chính, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định.

* Xây dựng “bộ khung” chuẩn để triển khai

Theo lãnh đạo nhiều địa phương trong tỉnh, việc triển khai CĐS cần có lộ trình, phương án phù hợp, nhất là vấn đề về nguồn kinh phí, nhân lực cho quá trình CĐS.

Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Trần Đức Hòa chia sẻ thêm, đối với Đề án Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh nói riêng và các nội dung về CĐS nói chung, cần có cơ chế tài chính, có hướng dẫn, chỉ tiêu cụ thể hơn để các địa phương triển khai một cách hợp lý, đúng quy định…

Tương tự, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Huỳnh Thị Lành bày tỏ, quá trình CĐS được địa phương ngày càng quan tâm, chú trọng. Trong thời gian tới, địa phương mong muốn các cấp, các ngành có thêm sự hỗ trợ, xây dựng bộ khung chuẩn để triển khai công tác CĐS phù hợp; từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tuyên truyền về CĐS, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với cấp độ 3 và cấp độ 4. Bên cạnh đó, đối với việc phát triển đô thị thông minh, việc trước mắt cần làm là xây dựng hệ thống dữ liệu một cách bài bản, hệ thống, qua đó từng bước triển khai các nội dung liên quan đến chính quyền số, kinh tế số… theo lộ trình phù hợp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương cần tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm việc triển khai của các địa phương thí điểm để có phương án triển khai CĐS một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, thực hiện đúng các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh mạng… Trước mắt, các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, nhân sự về CĐS một cách chính xác, kỹ lưỡng; tập trung xử lý những vấn đề cấp thiết liên quan đến CĐS ở các địa phương.

Cần có cơ chế hoạt động phù hợp đối với các tổ công nghệ số cộng đồng

Theo Sở TT-TT, tính đến tháng 8-2022, đã có 9/11 huyện, thành phố hoàn thành và thành lập được 789 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 5.588 thành viên.

Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử uy tín; cũng như hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản; kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn; nhận diện, phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số…

Theo nhiều địa phương, để đảm bảo hoạt động của các tổ công nghệ cộng đồng có hiệu quả thì cần có cơ chế hoạt động phù hợp, nguồn kinh phí để hỗ trợ các chuyên viên, tình nguyện viên tham gia tổ này. Đồng thời, cần có thêm các hoạt động hướng dẫn, các chương trình, lớp tập huấn để giúp các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng nâng cao kỹ năng số phục vụ cho nhiệm vụ được giao…

Lam Phương (Báo Đồng Nai)

Liên kết webiste

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN TRẢNG BOM - TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN TRẢNG BOM

Giấy phép số: 01/GP-TTĐT do Sở TTTT Đồng Nai cấp ngày 25/02/2014
Chịu trách nhiệm chính: Bà Lương Thị Lan - PCT UBND huyện - Trưởng Ban Biên tập.
Địa chỉ: Khu phố 3, Thị trấn Trảng Bom, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai

Điện Thoại: (0251). 3866259; Fax: (0251). 3866405

Website: http://trangbom.dongnai.gov.vn - Email: ubnd-tb@dongnai.gov.vn

Ghi rõ nguồn " UBND huyện Trảng Bom" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.